CHƯƠNG 8

NHỮNG NĂM ĐẠI HỌC VÀ

NHỮNG NGƯỜI BẠN TIÊN KHỞI

1528 - 1535

 73. Vậy I-Nhã lên đường đi bộ đến Paris. Ông tới nơi vào lối tháng hai, theo ông kể chuyện thì đó là vào năm 1528 hoặc 1527. Ông trọ ở một căn nhà với một người Tây Ban Nha và đi học trung học tại trường Montague. Ông học lại chương trình trung học là vì hồi trước ông đã học quá vội, thiếu căn bản. Ông học chung với trẻ em theo phương pháp và chương trình áp dụng tại Paris.

     Tại Barcelôna, có người đã cấp cho người lữ hành một chi phiếu, nhờ đó, tại Paris, một thương gia trả cho I-Nhã 25 đồng tiền vàng. Ông gửi số tiền này nơi một người Tây Ban Nha ở nhà trọ. Ít lâu sau người này tiêu xài hết tiền và không có tiền trả. Thế là hết, Mùa Chay người lữ khách không còn một xu dính túi, vì chính ông cũng đã tiêu chút đỉnh rồi và vì lý do trên, ông phải ăn xin và rời khỏi nhà trọ luôn.

74. Ông được tiếp đón tại nhà thương Thánh Giacôbê, bên kia nhà thờ các Thánh Anh Hài. Đối với việc học hành thì trọ ở nhà thương rất bất tiện. Vì nhà thương cách trường học khá xa. Buổi chiều muốn vào kịp trước khi khóa cổng thì phải về trước giờ Kinh Truyền Tin, và buổi sáng thì phải sáng hẳn rồi mới được ra ngoài. Do đó, ông không thể dự tất cả các giờ học đầy đủ, lại phải thêm một khó khăn nữa là còn phải xin ăn để sống.

     Vì từ gần năm năm nay không còn đau dạ dày nữa, I-Nhã lại sống khắc khổ và ăn chay. Ông trọ tại nhà thương và xin ăn một thời gian, nhưng thấy không mấy tiến bộ trong việc học hành, I-Nhã liền bắt đầy suy nghĩ xem phải làm gì. Thấy một số sinh viên vừa học vừa giúp việc cho các giáo sư quản lý các trường học, ông quyết định đi tìm một người mướn ông.

75. Ông tính toán và nghĩ bụng - điều này làm ông phấn khởi - sẽ coi giáo sư là Chúa Kitô, và trong số các học sinh, ông sẽ coi người này là Thánh Phêrô, người kia là Thánh Gioan, v. v. mỗi người là một Tông Đồ. Ông nghĩ khi giáo sư sai bảo điều gì ông sẽ nghĩ đó là lệnh của Chúa Kitô; khi nguời khác nói gì thì ông nghĩ đó là lời của Thánh Phêrô, Gioan. Ông rất lo lắng đi tìm việc làm, nhờ ông Castro, một tu sĩ thuộc đan viện Cartusiô quen biết nhiều giáo sư, và nhờ một số người khác nữa.

76. Sau cùng, vì không tìm được việc gì, một tu sĩ gốc Tây Ban Nha góp ý kiến cho I-Nhã mỗi năm đi tới xứ Flandres, ở lại đó hai tháng hoặc ít hơn, để quyên tiền sống suốt niên học. Sau khi cầu nguyện, ông thấy giải pháp này hay. Ông đi và mỗi năm đem về được một số tiền đủ để sống thanh bần. Có một năm ông qua nước Anh và quyên về được nhiều hơn các năm trước.

77. Sau khi đi xứ Flandres về lần đầu, I-Nhã lại tiếp tục các cuộc đối thoại thiêng liêng hăng hái hơn trước. Đồng thời hướng dẫn Linh Thao cho ba người tên là Pêralta, Castro và một người khác gốc Bascô tên là Amador đang ở trường Thánh Barbara. Cả ba người này thay đổi sâu xa. Họ phân phát tất cả của cải cho người nghèo, kể cả sách học nữa và bắt đầu đi ăn xin khắp thành phố Paris, ở những nơi người lữ khách trước đây đã ở, như đã kể trên. Vụ này gây xôn xao viện đại học, bởi vì hai người này trước đây có địa vị cao và được nhiều người biết đến. Những người Tây Ban Nha bắt đầu chống đối những người đó, sau khi đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục hai người trở về đại học nhưng vô ích. Thế rồi cả một đám người cầm vũ khí đến nhà thương lôi hai người ra, kéo về đại học và bảo rằng sau khi học xong mới được thực hiện ý định đó.

78. Một thời gian sau, Castro trở về Tây Ban Nha giảng tại Burgos và cuối cùng tu dòng Cartusiô tại Valencia. Pêralta thì đi hành hương tới Giêrusalem, nhưng khi đi qua Italia thì gặp một người bà con là sĩ quan trong quân đội, ông liền bị bắt đem đến Tư Dinh Đức Giáo Hoàng và được lệnh trở về Tây Ban Nha. Việc này xảy ra mấy năm sau chứ không phải ngay thời đó.

     Tại Paris, có nhiều người nói xấu người lữ khách, đặc biệt trong giới người Tây Ban Nha. Giáo sư Gouvera cho hay rằng vì đã làm cho Amador ra điên, nên lần sau I-Nhã đến trường Thánh Barbara, ông sẽ bị “đánh đòn công khai” vì tội mê hoặc học trò.

79. Người Tây Ban Nha đã trọ cùng I-Nhã lúc ban đầu, và đã tiêu hết tiền của ông không trả nổi, lên đường về Tây Ban Nha qua đường phố Rouen. Đang khi chờ tàu nhổ neo thì ông lâm bệnh. Người lữ khách hay tin qua một lá thư ông gửi, và nẩy ý muốn đi thăm và giúp đỡ ông này, hy vọng rằng nhờ dịp này có thể lôi kéo ông ta bỏ thế gian, để hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa.

     Để được ơn đó, I-Nhã có ý muốn đi bộ từ Paris tới Rouen, khoảng 25 dặm, đi chân không, nhịn ăn uống. Lúc cầu nguyện về ý muốn này ông cảm thấy sợ sệt. Sau cùng ông vào nhà thờ Thánh Đa Minh cầu nguyện và nhất quyết lên đường theo dự định và không còn sợ là làm như vậy là thử thách Thiên Chúa nữa.

     Sáng hôm sau, ngày lên đường, ông thức dậy và khi bắt đầu mặc quần áo, ông cảm thấy run sợ đến nỗi không mặc nổi áo. Dù kinh hãi như vậy ông lên đường và rời khỏi thành phố khi trời vừa sáng. Ông vẫn sợ sệt cho đến khi đến ấp Argenteuil, cách Paris lối chừng hai dặm, ở đó theo tục truyền có giữ áo Chúa Giêsu. Sau khi đi qua ấp này và bắt đầu leo đồi, thì cơn thử thách tiêu tan. I-Nhã cảm thấy hết sức phấn khởi đến độ ông gào thét và nói chuyện với Chúa trên cánh đồng.

     Ngày hôm đó, sau khi đi mười bốn dặm, ông ở nhà thương với một người ăn mày; ngày thứ hai ngủ trên một đống rơm và ngày thứ ba tới Ruen. Suốt ba ngày, ông không ăn uống và đi chân không, như đã quyết định. Tại Ruen ông an ủi người bệnh, giúp ông ta lên tàu trở về Tây Ban Nha và viết thư giới thiệu ông ta với các bạn ở Salamanca tức là Calixtô, Caceres và Arteaga.

80. Về những người bạn này, xin kể vắn tắt về họ. Trong thời gian ở Paris, theo như đã điều đình với nhau, người lữ khách viết thư cho họ nhiều lần và trình bày vấn đề khó tìm cách cho họ tới Paris học hành.  Ông còn viết thư gửi bà Lêônor Mascarenhas nhờ bà giới thiệu Calixtô đến triều đình vua Bồ Đào Nha để anh ta kiếm được học bổng theo chương trình cấp học bổng tại Paris của Vua Bồ Đào Nha. Bà Lêônor cấp cho Calixtô thư giới thiệu và tiền bạc tiêu sài.

     Calixtô tới triều đình vua Bồ Đào Nha, nhưng cuối cùng không đi tới Paris, trái lại anh trở về Tây Ban Nha và đi Châu Mỹ thuộc quyền Hoàng Đế với một phụ nữ đạo đức. Ông trở về Tây Ban Nha rồi lại đi Châu Mỹ lần thứ hai, khi trở về thì giầu to, mọi người quen anh ta trước kia đều ngạc nhiên.

     Caceres trở về quê ở Segovia và bắt đầu sống như đã quên hẳn ý định tốt lành trước kia.

     Artêga thì được phong chức huân tước. Về sau khi có dòng tại Roma rồi, ông được phong chức Giám Mục và được trao phó cho một địa phận tại Châu Mỹ. Ông viết thư gửi người lữ khách và xin nhường địa phận đó cho một anh em trong dòng. Sau khi nhận được thư từ chối, ông chịu chức Giám Mục và đi Châu Mỹ. Cuối cùng ông chết cách bất ngờ. Số là khi đang nằm trên giường bệnh, có hai chai nước, một chai đựng nước uống theo lệnh y sĩ, còn chai kia đựng thuốc độc. Người ta lấy lầm chai và đưa cho ông uống thuốc độc khiến ông chết.

81. Lúc đi Rouen trở về Paris, người lữ khách thấy người ta xôn xao rất nhiều về mình, do câu chuyện liên can đến Castro và Pêralta, và nghe rằng viên thanh tra đã tỏ ý muốn gặp ông. Ngay tức khắc, người lữ khách tìm gặp ông thanh tra và nói rằng hình như ông đã được mời đến, và sẵn sàng tuân theo lệnh ông thanh tra nếu ông có gì dạy bảo. Tuy nhiên, ông xin giải quyết vấn đề mau chóng, và mong rằng vụ này sẽ kết thúc trước ngày lễ Thánh Rêmy là ngày khai giảng. Ông có ý định ghi tên đại học và mong vụ đó sớm kết thúc để tập trung vào việc học. Tuy nhiên, viên thanh tra không gọi I-Nhã nữa, nhưng chỉ nói rằng đã có người kể cho ông ta nghe về công việc của I-Nhã.

82. Ít lâu sau là lễ Thánh Rêmy, tức là ngày đầu tháng mười, I-Nhã bắt đầu học với một ông thày tên là Gioan Pêna. Lúc đó ông có ý duy trì nhóm người đã quyết tâm phụng vụ Thiên Chúa, nhưng không muốn tìm thêm người để tiện việc học hành.

     Khi bắt đầu đi học, ông lại bị thử thách như khi còn học tiểu học tại Barcêlôna. Mỗi lần nghe giảng ông không thể tập trung được vì các tư tưởng đạo đức dồi dào đến với ông. Thấy học như thế không có lợi ích bao nhiêu, ông tới gặp giáo sư và hứa sẽ không bao giờ bỏ một giờ học nào bao lâu còn kiếm được bánh mì ăn và nước uống đủ sống. Sau khi hứa như thế, tất cả các tư tưởng đạo đức đến với ông vào các lúc bất lợi đều tiêu tan, và ông có thể tiếp tục học hành đều đặn.

     Thời đó ông thường nói chuyện vói hai cử nhân Phêrô Fabre và Phanxicô Xavier. Về sau, qua Linh Thao ông thuyết phục được hai ông này quyết tâm phục vụ Thiên Chúa.

     Hồi đó, không ai làm khó dễ I-Nhã như trước. Có lần tiến sĩ Fragô nói với ông là ông lấy làm lạ vì thấy ông rất bình thản không bị ai gây khó khăn gì, thì ông trả lời: “Đó là vì tôi không nói với ai về đời sống thiêng liêng; nhưng khi học xong chúng tôi sẽ tiếp tục như cũ.”

83. Hai ông đang nói chuyện với nhau thì có một tu sĩ đến xin tiến sĩ Fragô kiếm giùm một căn phòng. Vì tại nhà ông trọ, đang có nhiều người chết, có lẽ vì dịch hạch thời đó đang lan tràn tại Paris. Tiến sĩ Fragô và người lữ khách muốn đi xem nhà đó và mời một phụ nữ có kinh nghiệm đi theo họ. Bà vào nhà quan sát một lát thì nói là dịch hạch.

     Người lữ khách cũng vào nhà, thấy có một người nằm đau thì an ủi người ta, và tay đụng đến vết thương của người ấy, một lúc sau ra về một mình. Tự nhiên tay ông bắt đầu đau như đã bị mắc dịch hạch. Cảm tưởng này in sâu vào tâm trí ông đến độ không thể thoát nổi, cho đến khi ông cương quyết đút tay vào miệng và xoay đi xoay lại nhiều lần, tự nhủ rằng nếu tay bị mắc dịch hạch thì bây giờ cho miệng mắc luôn xem sao. Sau khi làm như vậy, ông hết còn cảm tưởng mắc bệnh và tay hết đau.

84. Tuy nhiên, lúc về trường Thánh Barbara nơi ông đang trọ và học, người nhà biết ông đã vào căn nhà có dịch hạch thì tránh xa ông và không muốn ông vào nhà. Ông phải ngủ ở ngoài mấy ngày. Theo phong tục tại Paris, các sinh viên đại học năm thứ ba muốn lấy bằng Tú Tài thì phải “lấy đá” như họ nói. Vì muốn “lấy đá” phải mất một số tiền, nên sinh viên không lấy nổi. Người lữ khách do dự có nên lấy hay không. Vì không quyết định được nên ông nhờ Giáo Sư giúp ý kiến. Giáo sư khuyên ông lấy thì ông lấy. Tuy nhiên, vẫn có người chỉ trích ông, ít nhất một người Tây Ban Nha để ý đến việc đó.

     Hồi đó tại Paris, I-Nhã bắt đầu đau dạ dày rồi. Cứ mười lăm ngày ông lại đau và kéo dài suốt hơn một tiếng. Có lần ông đau suốt mười sáu, mười bảy tiếng. Hồi đó ông đã học hết trung học, vài năm đại học và qui tụ được một số bạn bè thì bệnh tình trở nên càng ngày càng trầm trọng, không tìm được cách nào chữa trị, mặc dù đã thử nhiều cách.

85. Các y sĩ nói rằng chỉ có khí hậu ở quê nhà mới có thể giúp ông khỏi bệnh. Các bạn bè cũng bảo như thế và khuyên ông về quê.

     Hồi đó tất cả các bạn bè đã quyết định họ sẽ làm gì. Họ sẽ đi Vênêzia và từ đó sẽ đến Giêrusalem. Nếu không được phép ở lại Giêrusalem họ sẽ trở về Roma trình diện vị đại diện Chúa Kitô để Ngài sai họ làm việc những nơi Ngài nhận thấy Thiên Chúa sẽ được vinh quang hơn và các linh hồn được lợi ích hơn. Họ cùng đồng ý, tại Vênêzia, họ sẽ chờ tàu một năm, nếu trong năm đó không có tàu đi Trung Đông, họ sẽ không bị ràng buộc bởi lời khấn đi Giêrusalem nữa, và sẽ trình diện Đức Giáo Hoàng.

     Cuối cùng người lữ khách chiều ý các bạn. Vì có một số bạn gốc Tây Ban Nha cần giải quyết một số vấn đề nên ông tình nguyện lo giùm. Rồi họ điều đình vói nhau rằng: Sau khi I-Nhã khỏi bệnh, sẽ lo giải quyết các vấn đề đó rồi tới Vênêzia chờ các bạn tại đó.

86. Đó là vào năm 1535, và theo dự định của các bạn thì ông sẽ lên đường vào năm 1537 vào ngày lễ Thánh Phaolô Trở Lại. Tuy nhiên chiến tranh lại bùng nổ và ông phải lên đường vào tháng 11 năm 1536. Truớc khi lên đường, I-Nhã nghe biết rằng, có người tố cáo với các thẩm phán với những lời cáo buộc chống lại ông. Biết được sự kiện, mặc dù người ta đã không nhắm đích danh ông, ông vẫn đích thân đến viên thẩm phán và bảo ông này về những gì ông đã nghe, về cuộc hành trình ông sắp đi và về các bạn của ông. Vậy ông xin các thẩm phán một bản án. Ông thẩm phán nói rằng ông cũng có nghe những điều cáo buộc nhưng chẳng thấy có gì là quan trọng. Ông chỉ muốn xem những gì I-Nhã đã viết, tức là bản Linh Thao. Khi xem xong, ông nhiệt liệt khen ngợi, và xin một bản như người lữ hành đã đưa cho ông. Mặc dù vậy, người lữ hành vẫn khẩn khoản xin ông ta một bản án. Vì ông thẩm phán từ chối nên người lữ khách lại trở lại nhà của ông này với vài nhân chứng và viên chưởng khế để làm biên bản chứng thực sự kiện.

Tiếp theo: Chương 9 - Về Thăm Quê Nhà 1535

Trở về Nội Dung