CHƯƠNG 2

HIỆP SĨ CỦA THÁNH MẪU Ở MONSERRATE

1522

 13. Thế là I-Nhã cưỡi một con la cái lên đường với một người anh, tới tỉnh Onate, gần đó có nhà thờ Đức Mẹ là nơi hành hương, dọc đường I-Nhã thuyết phục người anh vui lòng ghé nhà thờ, thức đêm cầu nguyện để lấy sức mạnh tinh thần mà đi tiếp. Sáng hôm sau hai người chia tay, người anh tới thăm một người chị ở Onate và I-Nhã lên đường đi Navarete.

     Tới nơi, và nhớ ra rằng nhà người công tước mắc nợ người một số tiền, thì I-Nhã viết giấy xin lãnh số tiền đó. Người thủ quĩ trả lời là lúc bấy giờ không đủ tiền để trả. Nghe như thế, ông công tước bảo viên thủ quĩ thiếu tiền ai thì thiếu, chứ trả cho một người dòng họ Loyola, thì không thể nào thiếu được. Hơn nữa ông công tước còn muốn ban cho I-Nhã chức quan phó, gọi là để tưởng nhớ công lao trong quá khứ. Lãnh tiền rồi, I-Nhã chia một phần cho một số người đã có công với ông, phần còn lại ông đưa người ta tu bổ và trang hoàng thêm một tượng Đức Mẹ đã bị hư hại. Xong việc, I-Nhã cho hai người ở ra về và cưỡi la rời Navarrete hướng về Monserrate.

14. Trên đoạn đường này, có xảy ra một việc cần được trình bày để thấy cách thức Chúa hướng dẫn tâm hồn I-Nhã, một tâm hồn vẫn thô sơ, mặc dù rất ước ao được biết cách thức để phục vụ Chúa. Xin nhắc lại I-Nhã đã quyết tâm sống khắc khổ với mục đích làm đẹp lòng Chúa, hơn là chuộc tội. Khi nhớ đến một việc khổ hạnh các Thánh đã thực hiện, I Nhã quyết định làm theo, và còn có ý định sẽ làm khổ hơn thế nữa. Mỗi lần quyết định như vậy, ông cảm thấy an vui, nhưng chưa biết phân tích các động lực trong tâm hồn, ông cũng không hiểu các nhân đức khiêm nhường, bác ái, kiên nhẫn là gì, nhất là đức khôn ngoan chỉ dẫn các nhân đức kia. Ông chỉ muốn thực hiện các công việc lớn lao bởi vì các Thánh đã làm như thế cho sáng danh Chúa, chứ ông không hề bận tâm xét đến hoàn cảnh đặc biệt trong đời sống các Thánh.  

15. Vậy khi I-Nhã đang đi trên đường thì một người Mauri cỡi la theo kịp. Hai người vừa đi vừa nói chuyện với nhau, từ chuyện này bắt sang chuyện khác, cuối cùng họ nói về Đức Mẹ. Người Mauri đồng ý Đức Mẹ mang thai không do người đàn ông, nhưng không tin dù sinh con Đức Mẹ vẫn còn đồng trinh. Người Lữ Khách đưa ra nhiều bằng cớ nhưng vẫn không thể nào làm cho người Mauri bỏ lập trường nghịch đạo của mình.

     Bỗng người Mauri vọt tới trước và I-Nhã không còn thấy người đó nữa. Người lữ khách bắt đầu suy nghĩ đến cuộc nói chuyện với người Mauri vừa qua. Trong thâm tâm, ông cảm thấy bất mãn với chính mình, vì cho rằng đã không làm đủ bổn phận, đồng thời cảm thấy nổi giận vì cho rằng đáng lý ông không thể chịu một người Mauri nói những điều chướng tai về Đức Mẹ như thế, và ông nghĩ mình có bổn phận dàn xếp chuyện này. Ông đã tính chạy theo người Mauri cầm dao găm đâm hắn mấy cái vì những lời lẽ hắn đã nói. Nhưng ông do dự một lúc lâu, không biết bổn phận đòi hỏi ông nên làm gì. Trước khi vọt tới trước, người Mauri đã nói rằng hắn sẽ đi đến một làng xa hơn một chút, gần đường chính rẽ sang con đường phụ.

16. Vì không biết quyết định ra sao, nên I-Nhã thả cương con la để nó đi tự do tới ngã ba: nếu con la quặt vào đường phụ, ông sẽ kiếm người Mauri và sẽ đâm hắn, còn nếu nó tiếp tục đi trên con đường chính, thì ông sẽ bỏ qua. Mặc dù làng nằm ngay bên cạnh đường chính, chỉ cách xa khoảng bốn chục bước, và đường đi tới làng thì tốt và rộng hơn đường chính, nhưng Chúa đã khiến con lừa bỏ con đường làng, và tiếp tục đi vào con đường chính.

     Tới một làng khá lớn trước khi tới Monserrate, I-Nhã dừng lại, mua một cái áo thô để mặc trên đường đi Giêrusalem. Người mua thứ vải làm bao, loại thưa có nhiều gai, và nhờ người ta may một cái áo dài tới chân. Người mua thêm cây gậy đi hành hương, một cái bầu đựng nước và treo tất cả lên cốt yên la. Người còn mua đôi giầy vải và chỉ đi một chiếc ở chân đau thôi, không phải để lập dị nhưng vì chân này còn phải băng bó, mặc dù cưỡi la, đến tối thì thấy sưng lên, chân đó mới phải đi giầy.

17. I-Nhã lại lên đường đi tới Monserrate và như thường lệ, ông suy nghĩ đến những việc phi thường ông sẽ làm để phục vụ Chúa. Vì trí tưởng tượng còn đầy những hình ảnh thấy trong sách kể chuyện các hiệp sĩ, ông nẩy ý bắt chước họ và quyết định cởi bỏ quần áo thường mặc và mang huy hiệu Chúa Kitô, canh thức suốt đêm trước bàn thờ Đức Mẹ tại Monserrate, không ngồi, không nằm, nhưng đứng hoặc quỳ, y như một hiệp sĩ.

     Ông vừa cỡi la, vừa suy nghĩ đến ý định ông sẽ thực hiện. Tới nhà thờ Monseratte, sau khi cầu nguyện, và bàn hỏi với một Cha linh hướng, trong ba ngày I-Nhã viết ra mọi tội lỗi trên một tờ giấy rồi xưng tội. Ông còn điều đình với Cha linh hướng cho đan viện giữ lại con la, còn cái gươm và con dao găm thì ông treo trên bàn thờ Đức Mẹ. Trước đó I-Nhã chưa trình bày ý định cho linh mục nào biết; đây là người đầu tiên biết câu chuyện.  

18. Vào buổi tối ngày hôm trước lễ Đức Mẹ Truyền Tin tháng 3 năm 1522, I-Nhã lén lút đi tìm một người nghèo. Tìm được rồi, ông cởi quần áo ra và đưa cho anh ta, mặc áo thô như đã ước ao, trở về nhà thờ quì gối trước bàn thờ Đức Mẹ và thức suốt đêm khi quì, khi đứng, gậy cầm trên tay!

     Sáng sớm hôm sau để người ta khỏi nhận ra, và vì sợ gặp nhiều người quen kính nể, ông không đi đường tới thẳng Bacelôna, nhưng đi đường vòng quanh tới một phố nhỏ tên là Manrêsa. Ông tính sẽ ở lại đó vài ngày trọ tại nhà thương thí, để ghi chép một số ý tưởng vào một tập vở mà ông luôn đem theo và giữ gìn cẩn thận; tập vở này nâng đỡ tinh thần ông rất nhiều.

     Đi khỏi Monserrate chừng một trăm dặm, I-Nhã thấy một người chạy theo hỏi có phải ông đã đem quần áo cho một người nghèo, như anh này nói không. I-Nhã trả lời có và rưng rưng nước mắt thương xót người nghèo vì thấy người ta làm khó dễ anh, nghi ngờ anh ăn cắp.

     Dù I-Nhã đã hết sức cẩn thận để tránh người ta tôn kính, nhưng sau một thời gian không lâu, họ bắt đầu đồn đãi về công việc ông làm tại Monserrate. Danh tiếng ông tràn ra và thổi phồng lên vượt xa sự thật, rằng ông đã từ bỏ bao nhiêu là lợi lộc, v.v.

Tiếp theo: Chương 3 - Chúa Dạy I-Nhã tại Manrêsa 1522-1523

Trở về Nội Dung