Chương 1  ||  Chương 2  ||  Chương 3  ||  Chương 4  ||  Chương 5  ||  Chương 6  ||  Chương 7 
Chương 8  ||  Chương 9  ||  Chương 10  ||  Chương 11  ||  Chương 12  ||  Chương 13  ||  Chương 14  ||  Chương 15 
Chương 16  ||  Chương 17  ||  Chương 18  ||  Chương 19  ||  Chương 20  ||  Chương 21  ||  Chương 22  ||  Chương 23 


CHƯƠNG 2

THẾ NÀO LÀ MỘT VỊ THÁNH


Trước khi bắt đầu tìm hiểu "phương án" của Thánh Giacôbê, chúng ta phải vạch ra mục tiêu của mình, xác định rõ ý nghĩa của nó, và hoạch định các phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Tôi xin đề nghị với bạn một mục tiêu thật khó khăn, nhưng chắc chắn làm cho bạn được hạnh phúc. Mục tiêu đó là nên Thánh, vì thế chúng ta phải định nghĩa lại chữ "Thánh" bằng một ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu.

Trước tiên, "Thánh" không nhất thiết phải là một người có làm phép lạ, hoặc luôn siêng năng đọc kinh cầu nguyện - mặc dù đây có thể là đặc điểm của một vài vị Thánh mà ta biết đến. Nói một cách đơn giản, Thánh là một người làm theo ý Chúa. Nhưng thánh ý Chúa là gì? Và ta đi tìm thánh ý Chúa ở đâu? - Thánh ý Chúa gồm có hai phần: phần trực tiếp và phần gián tiếp (hay là chấp nhận). Thánh ý trực tiếp của Thiên Chúa là những gì Chúa muốn chúng ta phải làm. Ðây là những điều đã được ghi chép trong Thánh Kinh như Mười Ðiều Răn, các lời Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta, và các lời truyền tụng do Hội Thánh truyền lại... Thánh ý gián tiếp của Chúa gồm những gì xảy đến cho ta, cả tốt lẫn xấu mà chúng ta không chủ động được. Phần nhiều, thánh ý gián tiếp của Chúa là muốn chúng ta vui lòng chấp nhận những việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của ta. Theo đó chúng ta thấy rằng Thánh là một người luôn tươi vui hạnh phúc nhưng không dại khờ.

Một vị Thánh sẽ không chấp nhận để mình phạm tội trọng, mà cũng không cho mình quyền tự do phạm những tội nhẹ mà nhiều người thường vô tình phạm đến. Hãy nhớ rằng "Ta là Thiên Chúa toàn năng. Hãy bước đi trong Ta, và đừng để bị trách cứ" (Gen. 17:1). Chúng ta có thể có những quan niệm sai lầm về sự thánh thiện do ảnh hưởng của các sách viết về gương các Thánh mà ta đọc. Qủa thật, tuy có rất nhiều vị Thánh thường cầu nguyện lâu giờ, và làm nhiều phép lạ, nhưng cũng có những trường hợp khác. Thí dụ, một người nội trợ thánh thiện chắc không có nhiều giờ để đọc kinh cầu nguyện vì bổn phận làm vợ, làm mẹ đã chiếm hết thời giờ của bà. Tuy nhiên nếu bà vâng theo thánh ý Chúa thì tức là bà đang trở nên một vị thánh rồi đấy. Chúng ta dễ bị lẫn lộn giữa hình ảnh của một vị Thánh ta tưởng đến với thực chất của một vị Thánh thực sự. và nếu ta chỉ quan tâm đến các vị đã được Giáo Hội tôn phong hiển Thánh mà thôi, thì chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng mình không thể nên Thánh được. Nhưng Kinh Thánh có nói, "Ðối với Thiên Chúa không có sự gì là không thực hiện được" (Matt. 17:20). Hãy xem trường hợp của Ðức Mẹ diễm phúc của Chúa Giêsu, Mẹ được gọi là Nữ Vương các Thánh Nam Nữ đâu phải phải chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Không! Mẹ là Nữ Vương các Thánh vì Mẹ đã vâng phục thánh ý Thiên Chúa một cách trọn vẹn - trực tiếp cũng như gián tiếp - và đó cũng là hoa qủa của một đời cầu nguyện liên lỉ. Thật vậy, Mẹ đã sống một đời không tội lỗi, Mẹ thật là một phụ nữ vinh quang.

Một gương nên thánh khác là gương Thánh Bernadetta ở Lộ Ðức. Rất nhiều người cho rằng cô được nên Thánh vì Ðức Mẹ đã chọn để hiện ra với cô, nhưng điều này không đúng. Chính đời sống đạo đức, cầu nguyện và sự dũng cảm chấp nhận đau khổ của cô đã làm cô nên Thánh.

Thánh là một người yêu Chúa liên lỉ hết lòng, hết sức, hết trí khôn của mình. Ðó là người biết tập cho mình luôn luôn vâng theo thánh ý Chúa. Xin bạn đừng vội nghĩ rằng đây là một việc nhàm chán, vì thực ra nó khá thú vị và cực kỳ cam go cho chúng ta tự thử thách chính mình. Dĩ nhiên, có lúc chúng ta vấp ngã, được cái này mất cái nọ. Chúng ta không thể phí thì giờ ngồi than khóc sự yếu đuối của bản thân. Ta phải đứng lên với sự trợ lực của Thiên Chúa và lòng quyết tâm để nên Thánh.

Bây giờ, chúng ta hãy phân biệt sự thánh thiện bình thường và sự thánh thiện phi thường (hay dũng cảm). Sự thánh thiện bình thường là sự thánh thiện không vượt qúa sức chịu đựng của ta. Nó bị dừng lại trước nghịch cảnh hay những trường hợp khó khăn. Nó chỉ có thể chấp nhận thánh ý Chúa một cách miễn cưỡng hơn là âm thầm vui vẻ.

Sự thánh thiện phi thường thì lại khác. Mặc dù phần nhiều những người sống thánh thiện dũng cảm sẽ không hề được phong Hiển Thánh. Nhưng ngược lại, số người được phong Thánh phải luôn luôn được điều tra kỹ lưỡng xem họ có sống thánh thiện phi thường không. Ðức Giáo Hoàng Benedict XIV đã tuyên bố bốn tiêu chuẩn phải có cho một vị thánh được coi là phi thường. Thứ nhất, hành động của người ấy phải là việc rất khó làm, vượt qúa sức của người bình thường. Thứ hai, nó phải được thực hiện một cách tự nguyện và không do dự trong một khoảng thời gian dài. Thứ ba, nó phải được làm một cách vui vẻ không đắn đo suy tính, và thứ tư, nó phải được thực hiện một cách thường xuyên cũng trong suốt một thời gian dài.

Sau đây là tấm gương cụ thể của một phụ nữ mà lòng bác ái của bà được xem là dũng cảm phi thường. Bà là vợ và là mẹ của bốn đứa con, hằng ngày phải đưa đón chúng đi học và tham gia các sinh hoạt thể thao sau giờ học. Chồng bà là một người khó tính, hay đòi hỏi và hay coi thường vợ mình. Bà còn có một mẹ gìa tàn tật hiện đang sống chung với bà nữa. Bà phải nấu cơm riêng cho mẹ mình mỗi ngày ba lần, giúp mẹ tắm rửa, giặt giũ và chăm sóc thuốc thang... Cùng lúc đó, bà vẫn phải chu toàn trách nhiệm với chồng con ở nhà nữa. Nguyên khung cảnh đã đủ đặt bà vào vị trí để được nên thánh một cách anh hùng, nếu bà muốn. Trước hết, ta thấy hoàn cảnh của bà thực là ngoài sức chịu đựng bình thường. Thứ hai, bà sẽ có nhiều cơ hội để đáp ứng thường xuyên và đúng lúc các nhu cầu của mẹ mình. Và sau hết, nếu bà làm tất cả vì lòng mến Chúa và với một tâm tình vui vẻ trong một thời gian dài. Ðược như vậy thì đây là một tấm gương tiêu biểu cho sự thánh thiện anh hùng trong âm thầm, ít người để ý đến.

Giờ đây, chúng ta đã hiểu rằng mọi việc tốt chúng ta làm trong cuộc sống đều làm đẹp lòng Chúa, và rằng một vị Thánh chỉ là người chu toàn thánh ý Chúa, không hơn không kém. Nghe thấy đơn giản, nhưng sự thật không dễ làm như thế! Vậy, chúng ta cần ghi nhớ lời Thánh Têrêxa thành Avila như sau: "Một mình Têrêxa không làm được gì cả, nhưng Chúa và Têrêxa thì có thể làm được tất cả." Thiên Chúa cao cả hơn cuộc sống của ta, và bao quát hơn tất cả vấn đề gì ta gặp phải. Bạn không nghĩ rằng Thiên Chúa có thể lo liệu hết sao?

(Muốn download mp3 file, đặt mouse trên player bar, bấm "right-click" & chọn "save audio as")