Lich trình linh thao  ||  Linh Thao - Cầu Nguyện - Phút Hồi Tâm  ||  Các khóa linh thao  ||  Sách linh thao 
Linh Đạo I-Nhã  ||  Kinh Thánh Tân Ước  ||  Kinh Thánh Cựu Ước  ||  Liên lạc  ||  Nối kết 

 

Có ai bao giờ bàn đến tu đức mà lại không đề cập đến cầu nguyện! Nếu muốn tìm đọc cho hết những gì xưa nay các tôn giáo nói về cầu nguyện, thì có lẽ phải dành ra hàng chục năm dài mới đủ!

Con người cần nói và cần nghe nói về cầu nguyện. Bởi vì tự đáy lòng, con người cảm thấy cần phải cầu nguyện. Có danh nhân đã từng quả quyết rằng: "cầu nguyện là hơi thở của hồn con người ". Chim bay, cá lội còn con người thì cầu nguyện.

Cảm thấy cần phải cầu nguyện, nhưng cùng lúc con người cũng cảm thấy không biết ăn nói, đối xử làm sao cho bớt bất xứng trước nhan Thiên Chúa (xem Rm.8,26) hầu tiếp nhận cho được ánh sáng tỏa phát ra từ Ngài, và cảm nhận cho được tình Ngài yêu thương hiện diện sát kề bên mình. Cho nên con người cảm thấy cần được nghe nói về cầu nguyện.

Con người ngày nay cũng cần nói và nghe nói về cầu nguyện. Bởi vì, một đàng con người ngày nay vẫn là con người muôn thuở, và đàng khác, con người thời nay lại cảm thấy cần phải thích nghi lề lối cầu nguyện của mình sao cho hòa nhịp êm đẹp với những cảnh huống hoàn toàn mới lạ và đầy xáo trộn giữa cuộc sống hiện đại.

Cầu Nguyện?     

Là nói chuyện với Chúa! Nói cho rõ hơn đi, vì nói chuyện có thể là nói với người thương cũng như với người ghét, với người thân cũng như với người xa lạ, đáng sợ ... Thế thì cầu nguyện là nói chuyện thân mật, chân tình với Chúa, là nói "chuyện tình" với Chúa; là lấy hết tâm tình mà thưa chuyện, mà đàm đạo với Chúa. Cầu nguyện là đối thoại: có nói, có nghe, chứ không phải chỉ nói một mình như trong một cuộc độc thoại chán ngấy, hay là như trong một cuộc trao đổi hàm hồ! Có những buổi nói chuyện khách sáo đưa đãi, rập theo lối văn tiểu thuyết vay mượn, lòng trí để nơi khác; có những buổi trao đổi tâm tình qua ca dao thành ngữ quen thuộc; có những buổi hàn huyên tâm sự bộc phát từ con tim nồng cháy tình người; có những lúc ngồi bên nhau nhìn nhau không nói, mà lòng vẫn cảm nhận được cả một mối tâm đầu ý hợp sâu đậm giữa đôi bạn tri kỷ chí thân, giữa cặp tình nhân nồng thắm chân thành.

Cầu nguyện cũng có thể mang những hình thái tương tự như vừa nói: có những người đọc kinh thuộc lòng ngoài miệng như máy, còn lòng trí thì rất xa Chúa; có những người dùng lời kinh đọc ngoài miệng ( gọi là khẩu nguyện) để thưa lên với Chúa những tâm tình kính yêu sâu kín bên trong của mình; có những người chỉ tự sự với Chúa qua những tâm tư tiềm ẩn dâng lên từ đáy lòng mình (gọi là tâm nguyện); rồi cũng có lúc chỉ cần mở lòng rộng ra để Chúa nhìn mình và mình nhìn Chúa trong thinh lặng, để lòng mến thương của mình đắm chìm vào trong biển thẳm tình yêu vô biên của Chúa.

Ðúng thế, cầu nguyện dẫn hồn con người đến chỗ kết hiệp mật thiết với Chúa, do đó làm cho lòng trí sốt mến, nóng cháy lên, và làm cho con người cảm thấy Chúa không còn quá xa vời, quá thiêng liêng nữa! Thế mới rõ: kết hợp mật thiết với Chúa chính là tiêu đích của cầu nguyện, kết hợp không phải qua tình cảm thôi đâu, và đặc biệt và chủ yếu là bằng ý chí, ý hướng được minh chứng và thể hiện qua hành động cụ thể trong cuộc sống. Có thế người cầu nguyện mới dễ nhận ra được thánh ý Chúa, và có thế mới thu nhận đủ nghị lực tình yêu mà những gì Ngài muốn, bởi vì càng yêu thương nồng cháy thì càng có sức để làm vừa lòng người yêu, bất chấp mọi khó khăn chồng chất. Thánh Augustinô nhận xét rất tâm lý, nói rằng: "Ðã yêu thì không còn biết mệt nhọc, và dù có nhọc mệt, thì đó chỉ là cái nhọc mệt mà mình yêu thích!".

Thiên Chúa sinh dựng nên con người giống Ngài là Tình Yêu. Ngài là Cha là Mẹ con người. Vì thế, tự đáy lòng sâu thẳm, con người cảm nhận ra một mối tình đậm thắm dồn thúc quy hướng hồn mình về với Thiên Chúa: sức dồn thúc ấy, có lúc mạnh, có lúc yếu, có lúc tỏ, có lúc mờ. Ðó là lý do tại sao một khi đã cảm nhận được mối thâm tình kia đến mức độ tỏ rạng và mạnh mẽ - chẳng hạn như trong trường hợp các thánh có đời sống thiêng liêng cảm nghiệm (mystique/mystic) - thì những tâm hồn sống qua những kinh nghiệm ấy, không thể làm sao mà không đàm thoại hầu như liên lỉ với Chúa được. Giống hệt như những người yêu nhau, như những tình nhân vậy. Yêu nhau thì muốn gần nhau, đàm đạo với nhau, ít nhất là qua thư từ hoặc là điện thoại, để trao đổi tâm tình cho nhau và với nhau. Có thế mới thấy được là cầu nguyện đóng vai trò chủ yếu đến mức nào trong đời sống thiêng liêng của con người, nghĩa là trong mối tương quan mật thiết giữa con người với Thiên Chúa. Muốn yêu Chúa, muốn tiến mạnh trong tình yêu Chúa, nói là thương Chúa, mến Chúa ...mà suốt ngày không nói với Chúa được một lời, không dành được một lát để đến bên Ngài, để liếc nhìn Ngài qua một ánh mắt ...thì chỉ là muốn hão và nói suông mà thôi. Có ai yêu nhau thật mà lại làm như vậy đâu! Người kitô có yêu Chúa thật hay không? Cầu nguyện là cách trả lời thiết thực cho câu hỏi này. Vậy cứ xem họ có cầu nguyện hay không !

Nhiều người cứ lầm tưởng cho rằng cầu nguyện chỉ là cầu xin. Thả cho tâm tư lắng đọng dần xuống để lắng nghe và đón nhận tiếng Chúa là một phần trọng yếu nhưng thường lại bị bỏ quên đi trong lúc cầu nguyện. Tại sao? Có lẽ tại cầu nguyện mà chỉ biết bo bo chăm lo xin xỏ không thôi: đã xin xỏ thì phải nói nhiều, sợ nói ít, Chúa không hiểu những gì mình cần, không chịu cho những gì mình muốn. Làm thế là bịt tai không chịu nghe Chúa Giêsu dặn, nói là: "Cầu nguyện, thì các con chớ lải nhải như những người ngoại giáo! Họ tưởng rằng cứ nói nhiều là sẽ được nhậm. Chớ bắt chước họ, vì Cha các con đã biết rõ các con cần gì, ngay cả trước khi các con xin Nguời" (Mt. 6,7-8)

Cầu nguyện mà xin xỏ không thôi, lại còn dẫn đến một ngõ cụt khác nữa, đó là: "nguyện cho ý Cha thể hiện" (Mt. 6,10), mà chỉ biết lo xin cho ý riêng của mình thành tựu không thôi. Hơn nữa, lúc ý riêng - thường là khác với ý Chúa - không được toại nguyện, thì đâm ra than van kêu trách Chúa, coi Chúa như không thương, không giúp mình. Thật rõ là oan cho Chúa: Ngài chỉ muốn điều hay, điều lành, điều tốt cho chúng ta thôi! Ngộ nhận như thế, thường là vì con người chỉ biết miệt mài xin cho được những điều mình "thích", mà quên ý thức đi là điều ấy có thực sự "hạp" cho mình không. Trong khi đó, Thiên Chúa chỉ biết lo lắng ban tặng cho con người những gì "hữu ích"; Ngài biết rằng có những cái con người "thích" nhưng không "hạp" mà còn có hại cho con người. Chính vì thế, Thánh Phaolô nói là: "Chúng ta không biết làm sao mà cầu nguyện cho đúng, cần phải nhờ Thánh Thần giúp" (xem Rm 8,26). Thánh nữ Têrêxa Avila, tác giả tập sách "Con đường trọn lành", nhận định rằng chỉ cần cầu xin Chúa thế nầy là đủ: "Lạy Cha, xin ban những gì thích hợp cho chúng con", vì Thiên Chúa thấu hiểu mọi sự. Kinh Lạy Cha và lời Chúa Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu là những mẫu mực tuyệt hảo nhất của lời cầu nguyện mà con người thưa lên Thiên Chúa: Nếu được thì xin ...nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi!

Sống xa ánh sáng Ðức Tin, nhắm tít cặp mắt siêu nhiên, quên bẵng đi mất nấc thang gía trị thiêng liêng và những tiêu chuẩn đời đời ... nên mới có chuyện hiểu lầm Chúa như thấy ở trên đây!

Chẳng thế mà Thánh Inhã Loyola lấy việc từ bỏ mình làm thước đo con đường tiến tới cũng như chiều cao của đời cầu nguyện. Từ bỏ chính mình phải là điều kiện số một và là hoa trái đầu tiên của đời cầu nguyện. Không tin thì cứ thử xem: cứ thử đèo queo với ý riêng kỳ cục của mình đi, rồi sẽ thấy trong giờ cầu nguyện, sẽ có cả hàng loạt vạn lý trường thành dựng lên sừng sững chận lối không để cho ta đến gần với Chúa, ngăn cách không để cho ta gặp được mặt Ngài. Cũng chính vì thế mà Thánh Inhã đã đặc biệt lưu ý tới một lối cầu nguyện gọi là "xét mình". Lối cầu nguyện nầy giúp thanh luyện nội tâm, tức là giúp mỗi người từ bỏ ý riêng với các khuynh hướng xấu xa, để mở rộng con đường tâm hồn mình ra cho thanh thoát mà tiến nhanh đến chỗ gặp Chúa. Có từ bỏ chính mình với những ý riêng và đam mê lộn xộn của mình thì mới có thinh lặng nội tâm mà lắng nghe tiếng Chúa để gặp cho được Ngài. Nội tâm có thinh lặng lắng động, thì mới dễ mà cầm trí; rồi lúc đó mới cảm thấy lặng thinh bên ngoài thực là điều cần thiết và đầy thú vị. Ðại để, đó là những điều kiện tâm linh quan yếu nhất, không có không được, trong lúc thực hành cầu nguyện. Chung chung mà nói thì cái khó khó nhất gặp thấy khi thực hành cầu nguyện, là phải từ bỏ chính mình. Vậy đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Cầu nguyện khó không khó vì Chúa uy linh khôn ví, nhưng khó vì lòng người ngại ý Chúa uy linh!

Con người cầu nguyện là cầu nguyện với cả con người toàn diện của mình. Con người không phải là thần thiêng thuần túy, mà còn mang cả xác thể vật lý nữa; thế nên cầu nguyện là con người cầu nguyện với cả xác thể của mình nữa. Ðiều kiện sức khỏe, tình trạng thoải mái thể lý, các vị thế đứng, đi, ngồi, qùy, nằm ... đều cần phải lưu ý đến trong lúc cầu nguyện. Có người cần phải tập thể dục và đi tắm cho thoải mái trước khi bắt đầu cầu nguyện. Có người tìm vào chỗ có ánh sáng êm dịu để cầu nguyện, tránh mặt trời le lói làm xốn mắt chia trí; có người đi vào giữa thiên nhiên, cõi đồng hoang trơ trọi hay nơi đồi núi xanh tươi để cầu nguyện; có người lại ưa nhìn trời xanh trong biếc hay biển cả mênh mông ... Các yếu tố tâm thể lý đó cũng có thể thay đổi tùy lúc ... - Và ngay cả trong cùng một buổi cầu nguyện - để tránh khô khan, chia trí lo ra hoặc buồn ngủ: nghĩa là cố tạo điều kiện thuận lợi về mặt tâm thể lý, cho nỗ lực đi tìm Chúa và kết hợp với Ngài. Lúc đã gặp được những điều kiện thuận lợi, nghĩa là đang "cảm thấy gần Chúa" thì đừng nên thay đổi chi hết, vì thay đổi có thể làm mất đi những điều kiện thích hợp đang có. Ðó là lời khuyên đầy kinh nhiệm của Thánh Inhã. Lời khuyên nầy có thể được tóm gọn trong nguyên tắc gọi là "thay đổi hoặc đừng thay đổi", đặc biệt đắc dụng đối với việc chọn vị thế và tìm nơi chốn thích hợp mà cầu nguyện cho thoải mái dễ dàng: thay đổi vị thế hoặc nơi chốn lúc thấy khó cầu nguyện; giữ nguyên vị thế và ở lại nguyên chỗ khi cảm thấy cầu nguyện được. Nguyên tắc "thay đổi hoặc đừng thay đổi" này còn được áp dụng cho một khía cạnh khác nữa trong nỗ lực cầu nguyện: đó là việc lựa chọn đề tài và theo sát diễn tiến của đế tài. Ðiểm nầy sẽ được bàn đến sau.

Ðà áp dụng tâm thể lý như Thiền,Yoga .v.v... vào sinh hoạt cầu nguyện là một nỗ lực qúi giá, đáng chuộng, đáng khen và đáng khuyến khích. Vì làm thế là tạo điều kiện thuận lợi cho phần tâm lý và thể lý trong con người đang ra sức dốc toàn bộ tiềm năng mình có mà cộng tác tối đa với cố gắng hướng lòng lên nói chuyện với Thiên Chúa. Nhưng dù sao, kỹ thuật cũng chỉ là kỹ thuật, biến kỹ thuật thành phù phép, lẫn lộn kỹ thuật với chính cầu nguyện, thì chẳng khác chi quan niệm theo lối duy vật, nhầm lẫn coi thể xác là toàn bộ con người, coi con người là toàn bộ thể xác không hơn không kém. Thiếu chi trường hợp thể xác đau đớn, bệnh tật, suy nhược, tiều tụy và tàn lụi mà vẫn kết hợp rất sâu thẳm với Chúa qua cầu nguyện. Ðó là những tâm hồn thanh thoát tự do, đã đạt được tới chỗ từ bỏ chính mình để ôm lấy và sống trọn kế hoạch của Chúa dành cho cuộc đời mình. Ðúng như lời Ðức Kitô đã nói: "Yêu Chúa - sống kết thân với Chúa - đâu có phải hệ tại ở chỗ cứ kêu cầu inh ỏi "Lạy Chúa! Lạy Chúa!" nơi môi miệng nhưng chính ở điểm biết thực thi Thánh ý Chúa, kế hoạch Chúa đã đề ra cho đời mình (xem Mt 7,21).

- Ðúng thế! Tuy nhiên công ăn việc làm lu bu bề bộn đâu có cho phép thong dong đến nhà thờ, nhà dòng để mà cầu nguyện! Tối nằm trên giường rồi mới nhớ ra là mình chưa đọc kinh sáng !!! Chắc Chúa cũng thông cảm!

- Cầu nguyện là giống như hơi thở của con người; cầu nguyện là hơi thở của hồn con người, của đời sống thiêng liêng. Thầy Kitô đã chẳng dạy mọi người thuộc mọi bậc sống là: "Hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện" (Lc 21,34) đó sao! Có lúc, có nơi nào lại không được phép cầu nguyện" Có lúc, có khi nào lại không cầu nguyện được" Không cầu nguyện được là tại tâm hồn chưa sẵn sàng đó thôi! Lúc bị bắn gần chết, trong những ngày nằm nhà thương chữa bệnh, Ðức Gioan Phaolô II đã chẳng phải nằm trên giường mà cử hành Thánh Lễ đó sao! Lại có người lấy làm lạ, thắc mắc: làm sao mà vừa lái xe vừa cầu nguyện được? Nếu có thể vừa lái xe vừa nói chuyện với người bạn ngồi cùng xe ở ghế bên cạnh được, thì tại sao lại không cầu nguyện được trong lúc lái xe? Sao lại không biết mời Chúa ngồi ghế bên cạnh và đàm đạo với Ngài như là với một người bạn! Ðể đả thông cho rõ hơn về điều thắc mắc này, thì xin bàn thêm như vầy: lúc cầu nguyện, ý hướng và chú ý con người quy hướng về với Chúa, việc cố gắng quy hướng nầy có thể mạnh hay nhẹ, nhiều hay ít. Ðó là chuyện tự nhiên trong mọi sinh hoạt con người: con người không thể luôn luôn, mãi mãi dồn trọn một trăm phần trăm chú ý vào trong hết mọi hành động của mình được. Không cần chú ý một trăm phần trăm, chúng ta cũng có thể đưa cơm vào miệng được. Vậy nếu có nhiều mức độ quy hướng chú ý về với Chúa, thì cũng có nhiều cường độ chú ý khác nhau trong hành động cầu nguyện. Khi hoàn cảnh không cho phép chú ý trọn một trăm phần trăm, thì không phải vì thế mà cho rằng lúc đó không thể có hành động cầu nguyện, không kể là cầu nguyện! Chờ cho tới lúc hoàn cảnh cụ thể cho phép có đủ điều kiện lý tưởng rồi mới cầu nguyện, rồi mới yên tâm cầu nguyện, là không thực tế. Tục ngữ Tây có câu: "Cái tuyệt tiêu diệt cái tốt" là thế! Tất nhiên, cần phải có những lúc dành hết thì giờ, để cả con người với trọn một trăm phần trăm chú ý quy hướng về với Thiên Chúa mà cầu nguyện. Nhưng bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu cũng biết hướng lòng lên nói chuyện với Chúa, dù chú ý có được nhiều hay ít, có được dài hay ngắn tùy hoàn cảnh cho phép, thì đúng là nhất rồi còn gì!

Công ăn việc làm bận bịu không cho phép cầu nguyện: đó là lối nhận định mới nghe qua thì thấy khá có lý, nhưng đó chỉ là lối nhận định của những ai chưa có dịp "thử nếm xem cho biết Chúa dịu ngọt đến thế nào" (Tv 34,9), Chưa có dịp nếm thử tình yêu ngây ngất của Chúa, mà tình yêu của Chúa đâu có dành độc quyền cho ai đâu! Có dành độc quyền cho giới tu hành không thôi đâu! Chúa dành tình yêu bao la của Ngài cho tất cả, cho mọi người, không trừ một ai! Ai cũng được Thiên Chúa mời gọi yêu mến Ngài hết lòng, hết sức, hết linh hồn và thân xác, hết cả thì giờ nữa!

- Ừ thì yêu! - Nhưng sao yêu mà không chịu hẹn hò, gặp gỡ và gần gũi nhau? Yêu kiểu gì mà không dành trọn thì giờ nói chuyện với nhau và nghe nhau nói? Yêu bằng miệng, yêu theo lối môi mép? Tôi chỉ biết bận bịu và dành thì giờ lo cho chính tôi, cho gia đình của tôi mà thôi? Vậy tôi yêu mến Chúa theo kiểu gì, đến mức độ nào ??? Ai sẽ trả lời dùm tôi đây? Ai sẽ về với Chúa dùm tôi trong cuộc sống đời đời?

- Ừ thì nói ! Nhưng sẽ phải nói chuyện gì với Chúa đây? - Những người bạn chí thiết, những người yêu chí tình không bao giờ đặt câu hỏi như thế, không bao giờ băn khoăn kiểu ấy. Nếu lấy lại lối diễn đạt của Thánh Augustinô, thì phải nói rằng: "Cứ yêu đi, rồi sẽ biết phải nói gì!". Giữa hai người yêu, đề tài câu chuyện là vấn đề phụ, không quan trọng, không bao giờ cần đặt ra; tâm tình đối với nhau, trao cho nhau mới thật là chuyện chính yếu. Có người nói tếu rằng: trong các món ăn người ta dọn ra, Chúa chỉ thích nhất có một món, đó là món "cháo lòng", đó là món phải đem hết lòng mình ra mà nấu, và chỉ cần nấu với hết lòng là ngon, là Chúa thích! Nếu đúng như thế thì ai lại không nấu được "cháo lòng" đơn sơ cho Chúa! Cầu nguyện mà đem hết lòng, hết tâm tình vui buồn, sướng khổ, thích thú hoặc chán nản ... ra mà tâm sự với Chúa, mà bàn hỏi với Ngài, mà đón nhận ý kiến của Ngài ...là Chúa thích nhất đó! Ai lại không có lòng, không có tâm tình? Sống giữa đời, lòng mình có trăm ngàn thứ tâm tình; tâm tình về chính mình, về những hoàn cảnh và biến cố trong cuộc sống... về chính Thiên Chúa. Những kinh nghiệm và hoàn cảnh sống, những con người giao tiếp và chung đụng hàng ngày, tất sẽ làm sống dậy trong ta biết bao phản ứng, biết bao tâm tình, biết bao nhu cầu...

Rồi cầu nguyện không phải là nói không thôi mà là còn nghe nữa chứ! Nghe Chúa nói qua Lời Chúa trong Kinh Thánh, trong Giáo Hội, trong cuộc sống, nơi các biến cố và nơi những người xa gần Chúa đặt trên đường đời chúng ta. Cố gắng lắng nghe mọi nơi mọi lúc để có thể nói chuyện với Chúa bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Bao lâu, qua một biến cố, một câu nói, một đoạn nào đó trong Lời Chúa, mà thấy lòng mình "nóng lên" giống như hai môn đồ đi trên đường Emmau ngày xưa: cảm thấy mình gần Chúa hơn, hầu như gặp được, như thắy được Ngài ... thì những lúc đó, dù với bất cứ giá nào cũng dừng lại ở đó, đừng vội đi tìm những thứ gì gì cao đẹp nào khác cả! Trong cầu nguyện, không có gì cao đẹp hơn là gặp được Chúa, và đạt đến chỗ trao đổi nỗi lòng nóng cháy với Ngài: đó là chính tiêu đích cầu nguyện nhắm tới cơ mà! Chúa không ưa cao lương mỹ vị cầu kỳ, Ngài rất dễ tính và rất dễ cảm thương. Ngài chỉ thích có món "cháo lòng" đơn sơ không thôi! Biết nhiều lời hay ý đẹp, nắm nhiều kiến thức cao kỳ sặc mùi lý thuyết ...thì có ích gì! có đem lại được một chút ấm lòng, một chút no thỏa và hạnh phúc cho cuộc sống vật chất cũng như thiêng liêng đâu? Lòng có ấm, có no thỏa trong ánh sáng và tình yêu của Chúa, thì con người nội tâm mới được tôi luyện cho nên trong đẹp, kiên cường thật sự. Tác giả Linh Thao, Thánh Inhã Loyola đã đặc biệt lưu ý về điểm này. Mấy người thương nhau, mấy cặp tình nhân đâu cần bày biện nhiều chuyện để nói, nhiều lời để tả. Họ chỉ cần ngồi bên nhau, có khi trong thinh lặng ...hoặc chỉ cần lập lui lập tới có vài lời quen thuộc, xưa như trái đất ..., mà ai cũng biết cả rồi!

Ðó là trường hợp của những người đã thấy lòng dạ ấm áp lên rồi. Còn thường khi thì có thể thấy lạnh nguội hơn một chút, khô khan yếu nhược hơn một chút, và cần được trợ giúp chống đỡ nhiều hơn. Những lúc như thế, thì nên rút ra từ Lời Chúa, từ các lời kinh quen thuộc hoặc là từ các biến cố trong đời sống... những gì thích hợp cho tình trạng cụ thể lúc đó của tâm hồn mình để chuẩn bị một đề tài thiết thực mà cầu nguyện, mà nói chuyện với Chúa.

Trên kia đã nói một nguyên tắc "thay đổi hoặc đừng thay đổi" rút ra từ các lời khuyên của Thánh Inhã Loyola, còn được dùng trong cách thức chọn đề tài cầu nguyện nữa. Nếu thấy đề tài hoặc là một điểm trong đề tài còn giúp mình cảm nhận được mùi vị thiêng liêng, còn giúp lòng mình nóng lên vì cảm thấy gần Chúa .v.v. thì cứ yên tâm dừng lại ở đề tài đó, dừng lại ở điểm đó, bao lâu còn thích thú thì đừng thay đổi. "Bởi vì không phải hiểu biết nhiều, nhưng là chính việc cảm mến bên trong mới làm cho tâm hồn no thỏa" (LT 2). Nhưng nếu, sau khi đã cố gắng mà thấy một đề tài nào đó, hoặc là một điểm nào đó trong đề tài không gây được âm hưởng cho tâm hồn lúc cầu nguyện, thì đừng ngần ngại thay đổi đi, nghĩa là chọn một đề tài khác, hoặc là đi qua một ý tưởng khác, một phần khác của đề tài.

Thế là phần chuẩn bị cầu nguyện coi như tạm xong.

Và đây đã đến lúc bắt đầu câu chuyện với Chúa. Những nhận thức và cảm tình phút đầu thường có một tầm quan trọng quyết định trong một cuộc trao đổi, đối thoại: tùy ở những cảm nhận đầu tiên này mà cuộc nói chuyện có được thoải mái phóng lên vun vút, hay là phải rơi vào cảnh tẻ nhạt, bế tắc, chán ngấy... Ngay từ phút đầu cầu nguyện, nếu biết lấy hết tin yêu mà nhận ra Chúa đang hiện diện trước mặt mình, bên cạnh mình và đang âu yếm nhìn mình; nếu biết nỗ lực dồn trọn ý hướng và chú tâm về với Chúa trong khiêm tốn, cởi mở, trong sáng tỏ và chân thành, thì buổi nói chuyện với Chúa mới có đà mà tiến nhanh, tiến mạnh lên cao lên xa trong gặp gỡ và kết hiệp.

Trên kia đã nói: Con người cầu nguyện là cầu nguyện với cả con người của mình. Thế thì không lẽ gì lúc cầu nguyện ta lại không dùng trí tưởng tượng. Nếu trí tưởng tượng đi làm ăn riêng, không chịu hợp tác mà cầu nguyện, thì lòng trí khó mà kiên trì chú tâm vào Chúa được. Mà muốn trí tưởng tượng cộng tác cầu nguyện, thì cần phải cung cấp chất liệu tốt cho hoạt động của nó: chất liệu rút ra từ, - hoặc có liên quan với- đề tài cầu nguyện. Chẳng thế mà cứ mỗi lần giới thiệu một đề tài mới, là tác giả Linh Thao đều đề ra một bối cảnh cụ thể mới, thích hợp với đề tài. Bối cảnh cụ thể có thể ví như bức phông, tức là bức màn lớn có vẽ phong cảnh làm nền cho sân khấu diễn kịch. Trí tưởng tượng dựa theo đề nghị của đề tài cầu nguyện mà hình dung ra khung cảnh tương ứng với nội dung đề tài. Chẳng hạn: lúc suy niệm về bình tâm, về tội lỗi .v.v... thì trí tưởng tượng có thể hình dung ra cảnh Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu, hình dung ra Núi Sọ có Chúa Kitô chịu đóng đinh khổ nhục trên Thánh Giá; hoặc là lúc chiêm niệm Thiên Thần truyền tin, Chúa Giêsu sinh ra .v.v... thì trí tưởng tượng lại hình dung ra căn nhà, căn phòng Ðức Mẹ, hình dung ra bò lừa với máng cỏ Chúa nằm, có Ðức Mẹ, có Thánh Giuse và các mục đồng ở xung quanh. Bối cảnh cụ thể là phần đóng góp trí tưởng tượng cống hiến cho cầu nguyện vậy.

Ðến đây chắc hẳn các bạn đã thấy rõ cần phải thưa chuyện với Chúa qua những thái độ, tâm tình và lời lẽ như thế nào rồi. Giống hệt như giữa hai người bạn chí thân, như giữa hai mẹ con: hồn nhiên, thoải mái, đơn sơ, cởi mở, chân thành, tin tưởng, thân ái ...Con càng bập bẹ, mẹ càng thấy mến: mến cái hồn nhiên, cái trong sáng, cái ngây thơ dễ thương của đứa con nhỏ. Ai lại đi giữ kẽ, lựa lời khách sáo mà nói với người mình thương bao giờ đâu! Chỉ có ra trước tòa án mới làm thế! Càng thương nhau thì càng ăn nói tự nhiên, đơn sơ. Trong cầu nguyện cũng hệt như vậy: càng biết Chúa, càng tiến sâu trong tình yêu Chúa, thì cách thức nói chuyện với Chúa càng trở nên đơn sơ, càng ít suy luận dông dài, và càng đi đến chỗ nhìn Chúa nhiều hơn là nhìn vào chính mình, nghe nhiều hơn nói, ca tụng và thưa "xin vâng" nhiều hơn là xin xỏ. Ðó là lúc cầu nguyện bước qua ngưỡng cửa chiêm niệm.   

- Sao mà nặc mùi thánh thiện lắm thế! Tụi tôi trần tục mà! - Càng trần tục thì càng cần đến với ánh sáng và sức mạnh của Chúa; bởi vì có thế mới mong tiến tới trên đường nên thánh. Mà nên thánh là ơn gọi căn bản của tất cả và của mỗi một người Kytô, không trừ một ai, dù là tu hành hay trần tục. Không có Chúa soi dẫn, không có sức mạnh của Ngài, làm sao con người có thể đứng vững trong ơn thánh, nên tốt, nên thánh được? Hiện không thiếu chi những người, cả những người trẻ nữa, đã từng sống qua kinh nghiệm cầu nguyện cao độ nói trên đây. Họ ở giữa đời, chung lộn và phải đối phó với cái lu bu mỗi ngày của cuộc sống, hệt như bất cứ ai. Họ không phải là "nhà tu", có khi họ còn phải gánh vác những trách vụ gia đình và con cái, còn nặng nề hơn rất nhiều người khác nữa. Nếu muốn bảo cầu nguyện là một thách đố cũng được. Ðó thực là một phần trong cái thách đố mà Thánh Augustinô đã sống qua: " Người nầy người nọ làm được, sao tôi lại không ?". Cứ thử nếm xem đi thì sẽ biết Chúa dịu ngọt đến độ nào! Nếu chỉ đọc Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam không thôi, thì không sao cảm nhận cho ra mùi vị ngọt ngào thanh trong của bánh cốm xanh thơm xứ Bắc được!

Có học, có tập, có thử luyện cầu nguyện, thì mới cầu nguyện tốt và giỏi được. Có là gì đâu: ăn với nói ai lại không biết, thế mà ai cũng phải học ăn học nói cả đó.      

Nếu cầu nguyện tốt và giỏi là dễ ợt, thì còn cần bàn đến làm gì ở đây! Có hai cái khó hay gặp nhất trong lúc cầu nguyện, đó là: Lo ra (chia trí) và khô khan. Ðã biết đó là những cái khó chung, ít ai tránh được, thì đừng quá lo lắng, khiếp đảm, chán nản, khi gặp phải. Ðó là biện pháp tiên quyết.

Rồi hễ thấy mình "lo ra", thì cố gắng mà "lo vào". Có người vặn hỏi rằng: " Lo vào đâu?". Tất nhiên không phải lo vào rạp xinê hay là vào quán bar! mà lo vào lại trước thánh nhan Chúa, vào trong sự hiện diện của Ngài, vào lại trong bối cảnh cụ thể và trong nội dung của đề tài đang dùng cho buổi cầu nguyện. Nói chung thì "lo vào" tức là cố gắng ý thức và chú tâm trở lại tiếp tục nói chuyện với Chúa. Không ai bắt lỗi, làm tội việc lo ra, chia trí xảy đến ngoài ý muốn của mình cả. Biết mình lo ra, thì lo cầm trí lại là được.    

Còn một khó khăn khác thường gặp phải trong lúc cầu nguyện, là cảm thấy khô khan nguội lạnh. Khi cầu nguyện mà khô khan, không cảm nhận được gì thì việc đầu tiên cần phải làm là nhìn lại, là tự vấn (xét mình) xem đã áp dụng đúng và trọn vẹn tất cả những gì cần phải hội đủ cho việc thực hành cầu nguyện hay chưa. Nếu chưa thì cố can đảm sửa chữa lại tình trạng thiếu sót đó. Nếu thấy mình đã hội đủ mọi điều kiện cần thiết cho cầu nguyện mà cứ phải lê gót dài dài giữa lòng sa mạc băng tuyết, thì lúc đó nên làm hai điều sau đây: -Thứ nhất là tiếp tục kiên trì cầu nguyện cho hết giờ đã định, - Thứ hai là nên lập đi lập lại một vài lời nguyện ngắn đơn sơ như: "Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được tình yêu của Chúa"; "Lạy Chúa, xin nâng đỡ lòng tin yếu kém của con"; " Lạy Thầy Giêsu, xin dạy con biết noi gương Thầy mà thực thi thánh ý Chúa Cha" v.v...Chúa Giêsu đã chẳng làm như vậy khi Ngài ở vườn Cây Dầu lúc Ngài cảm thấy lo buồn, chán nản đến chảy mồ hôi máu ra đó sao: "Lạy Cha xin đừng làm theo ý con ...?"

Ðó là những liều thuốc có tính cách cấp thời để chữa cho qua cơn lo ra và khô khan ngay lúc gặp phải. Nếu nhận ra được ngay những gì cần phải sửa đổi, thì nên cố gắng sửa đổi ngay. Chẳng hạn như: cố gắng từ bỏ chính mình và quảng đại dâng trọn cho Chúa những gì mình còn đang "giằng co, dành giật" với Ngài ..., hoặc là thay đổi nơi chốn... thay đổi nhịp thở, hít dài một vài ngụm khí trời trong lành cho cơ thể được dễ chịu thoải mái ..., thay đổi vị thế: đi, đứng, ngồi, quỳ ... Trong những lúc khô khan lo ra, nên chọn những vị thế khắc khổ hơn một tí để thân xác có cơ hội cộng tác đắc lực hơn với nỗ lực của tâm hồn, cũng như để tâm hồn có dịp biểu lộ thiết thực hơn lòng khiêm tốn và thái độ khấn xin tha thiết của mình. Thế nên, người ta thường khuyên người cầu nguyện nên để ra một ít phút sau các buổi cầu nguyện để kiểm điểm lại xem mình đã cầu nguyện như thế nào, hầu cải tiến về sau. Nếu đã làm hết sức, mà vẫn không thấy có gì cần sửa đổi về phần mình, thì cứ tín thác nơi Chúa và nhất quyết một mực kiên tâm bền chí trong bước đường cầu nguyện, không chịu bỏ cuộc. Thánh nữ Têrêxa Avila đã bền chí cầu nguyện bất chấp khô khan trong suốt nhiều năm dài. Nếu trẻ con ưa ăn kẹo, và chỉ có người lớn mới dám đi vào trong xa mạc, thì Thiên Chúa cũng thường dành nhiều ủi an, dịu ngọt cho người mới lần dấn bước đi vào con đường cầu nguyện, và để cho những người già dặn nội tâm hơn một chút, phải hì hục vươn trèo ngõ đèo trần trụi của Ðức Tin.              

Những giây phút kiểm điểm sau các buổi cầu nguyện còn nhằm một mục tiêu tích cực khác nữa, đó là ghi nhớ lại - có thể bằng giấy trắng mực đen - những kinh nghiệm gặp Chúa qua ánh sáng và tâm tình bừng dậy ở trong lòng giữa lúc cầu nguyện, để rồi từ từ đi đến chỗ nhận ra đường lối và kế hoặch Chúa đề ra cho đời mình. 

Nói cho cùng thì một buổi cầu nguyện lo ra và khô khan mà cố gắng và bền chí, chưa hẳn là tệ hơn một buổi cầu nguyện "ướt át", vì có thể tâm hồn đang trải qua một giai đọan thanh luyện và thử thách.            

Vậy lấy tiêu chuẩn nào cho chắc chắn mà đánh giá phẩm chất việc thực hành cầu nguyện trong đời sống thiêng liêng của một người? Cứ xem quả thì biết cây: cứ nhìn vào cuộc sống của một người trước và sau khi thực hành cầu nguyện, thì sẽ biết được ngay phẩm chất đời cầu nguyện của người đó; vì cầu nguyện tốt sẽ đem lại nghị lực thiêng liêng để sống ý Chúa tốt. Dĩ nhiên việc nhận định nầy đòi hỏi một thời gian tương đối dài. 

Ngoài hoa trái căn bản vừa nói, xin thử kể thêm ra đây một số -ít nhất là một số- những hoa trái khác dễ nhận ra nhất ở nơi tâm hồn sống đời cầu nguyện, đó là: trong sáng nhờ bỏ mình và thanh luyện, bình an, vui tươi, bình tĩnh và bình tâm, sáng suốt, đầy nghị lực, vị tha, hy sinh, quảng đại, hòa nhã, khiêm nhường, dễ tha thứ, nhẫn nhục, khôn ngoan và lạc quan siêu nhiên. Tắt một lời, vì luôn đặt người thực hành cầu nguyện vào trong tư thế chú tâm lắng nhìn để biết Chúa, biết mình và biết người, nên cùng lúc, cầu nguyện cũng giúp cho chóng đạt tới mức trưởng thành con người, và gặt hái được những kinh nghiệm nội tâm ngày càng dồi dào phong phú hơn. Cứ nghiệm xét thử mà xem ...!

Con người cảm thấy cần nghe nói về cầu nguyện, vì con người cảm thấy cần phải cầu nguyện và cầu nguyện cho thật tốt.

Có lẽ lối học cầu nguyện hay nhất là bắt đầu cầu nguyện, là thực hành cầu nguyện. Ðó là phương thức học hỏi của các Tông Ðồ ngày trước: các Ngài đã học cầu nguyện bằng cách cầu nguyện thưa với Thầy Giêsu rằng: "Xin thầy dậy cho chúng con biết cầu nguyện" (Lc 11,1); các Ngài đã học cầu nguyện bằng cách ngồi chung quanh mẹ Maria mà cầu nguyện trong những ngày ngồi chờ Thánh Thần Thiên Chúa đến. Và như thế thì có thần thiêng vô hình, Chúa cũng sẽ cho chúng ta "gặp thấy" được Ngài trong cầu nguyện !  

Hết